Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

GIẢI MÃ BÍ ẨN TRÀNG SINH

Cách an vòng sao Tràng Sinh là một bí ẩn nằm chồng lên bí ẩn tam hợp cục. Qui luật an vòng sao Tràng Sinh được thiết kế trên nền móng tam hợp cục. Mà cấu trúc của tam hợp cục tự nó đã là một bí ẩn thì đương nhiên qui luật an vòng Tràng Sinh cũng là một bí ẩn. Điều mà học giả NVTA ghi nhận “có vẽ không tuân theo qui luật tương sinh của Ngũ hành” cũng là đương nhiên vì tự bản thân của tam hợp cục đã không tuân theo qui luật tương sinh của thuyết ngũ hành phổ cập thì làm sao qui luật an vòng sao Tràng Sinh được thiết kế trên nền móng tam hợp cục đó có thể tuân theo qui luật tương sinh của thuyết ngũ hành phổ cập được. Thêm vào đó là việc an thuận hay an nghịch chiều kim đồng hồ và từ cung nào tới cung nào lại là một bí ẩn khác; cũng tạo ra nhiều mơ hồ trong lý giải, khiên cưỡng trong tranh biện, và hỗn loạn trong ứng dụng. Rồi lớp bí ẩn sau hết là cách an vòng sao Tràng Sinh cho Thổ Ngũ Cục. Vì có tới 5 Tử Vi cục mà chỉ có 4 tam hợp cục nên mới có chuyện rắc rối ở đây.

Hầu hết các thầy Tử Vi đều khởi Trường Sinh tại Dần Thân Tỵ Hợi căn cứ theo Cục, Dương Nam Âm Nữ thì theo chiều thuận, Âm Nam Dương Nữ thì theo chiều nghịch. Theo giải thích của thienkhoitimvui, một cao thủ lý số và là một hội viên của diễn đàn Mệnh Lý Tổng Quát trên website Tử Vi Lý Số tại www.tuvilyso.net thì “Về cách an TSinh theo lối Tử Vi truyền thống và Phổ dụng nhất này, thì tôi khẳng định ấy là thuyết Tsinh như Gốc vậy. . .” và “Ngay như lối Tsinh của Tử Vi truyền thống, phổ dụng, cũng đã có sự triển khai riêng một chút so với Lí Thuyết TS gốc, ấy là có trường hợp đi nghịch, trong khi Lí Thuyết gốc chỉ tính thuận.” Như vậy thì, căn cứ theo sự giải thích của thienkhoitimvui, phái thứ nhất còn gọi là phái truyền thống gốc chỉ an vòng sao Tràng Sinh theo chiều thuận chứ không có chiều nghịch cho Âm Nam và Dương Nữ.
Phái thứ hai, phái “truyền thống” và “đi nghịch,” điển hình có Tử Vi Gia Vân Đằng Thái Thứ Lang. Theo chỉ dẫn của ông [trích trong Tử Vi Đẩu Số Tân Biên] thì cách an vòng sao Tràng Sinh như sau:
  • Kim Cục an Tràng Sinh tại Tỵ;
  • Mộc Cục an Tràng Sinh tại Hợi;
  • Hoả Cục an Tràng Sinh tại Dần;
  • Thủy Cục an Tràng Sinh tại Thân;
  • Thổ Cục an Tràng Sinh tại Thân; và
  • Sau khi an sao Tràng Sinh xong thì Dương Nam-Âm Nữ theo chiều Thuận, Âm Nam Dương Nữ theo chiều Nghịch mà an lần lượt 11 sao còn lại của vòng Tràng Sinh.
Phái thứ hai thì an vòng Tràng Sinh theo cách: (a) với Dương Nam và Âm Nữ thì khởi Tràng Sinh tại Dần Thân Tỵ Hợi rồi theo chiều kim đồng hồ an 11 sao còn lại hoặc là (B) cho Âm Nam và Dương Nữ thì khởi Tràng Sinh tại Tí Ngọ Mão Dậu rồi theo chiều ngược kim đồng hồ an 11 sao còn lại. Điển hình cho học phái này có Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử, Thiên Lương, Thiên Phúc Vũ Tiến Phúc. Theo cách của Tử Vi Gia Hà Lạc [trích Tử Vi Áo Bí Biện Chứng Học,1972] và của Tử Vi Gia Thiên Phúc [trích Tử Vi Giảng Minh] thì:
  • Dương Nam & Âm Nữ, Mộc Cục -- an Tràng Sinh tại Hợi, an theo chiều kim đ/h;
  • Dương Nam & Âm Nữ, Kim Cục -- an Tràng Sinh tại Tỵ, an theo chiều kim đ/h;
  • Dương Nam & Âm Nữ, Hỏa Cục -- an Tràng Sinh tại Dần, an theo chiều kim đ/h;
  • Dương Nam & Âm Nữ, Thủy Cục -- an Tràng Sinh tại Thân, an theo chiều kim đ/h;
  • Dương Nam & Âm Nữ, Thổ Cục -- an Tràng Sinh tại Thân, an theo chiều kim đ/h;
  • Âm Nam & Dương Nữ, Mộc Cục -- an Tràng Sinh tại Mão, an ngược chiều kim đ/h;
  • Âm Nam & Dương Nữ, Kim Cục -- an Tràng Sinh tại Dậu, an ngược chiều kim đ/h;
  • Âm Nam & Dương Nữ, Hỏa Cục -- an Tràng Sinh tại Ngọ, an ngược chiều kim đ/h;
  • Âm Nam & Dương Nữ, Thủy Cục -- an Tràng Sinh tại Tí, an ngược chiều kim đ/h;
  • Âm Nam & Dương Nữ, Thổ Cục -- an Tràng Sinh tại Tí, an ngược chiều kim đ/h; và
  • Sau khi an sao Trường Sanh, thứ tự an 11 sao còn lại theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
Tử Vi Gia Thiên Lương cũng an vòng sao Tràng Sinh giống như trên. Tuy nhiên, riêng cho Thổ Cục, thì ông khởi vòng Tràng Sinh tại Dần và Ngọ.
  • Khởi tại Dần cho Dương Nam và Âm Nữ rồi an theo chiều kim đồng hồ 11 sao còn lại;
  • Khởi tại Ngọ cho Âm Nam Dương Nữ rồi an ngược chiều kim đồng hồ 11 sao còn lại.
Dầu là theo phương pháp nào thì trên căn bản vẫn là: vị trí của các sao trong vòng Tràng Sinh được phân bố theo cấu trúc của tam hợp cục. Chỗ khởi Tràng Sinh tùy thuộc vào Cục. Mà Tử Vi Cục thì ăn vào tam hợp cục. Hay nói cho rõ hơn:
  • Tử Vi Thủy Cục ăn vào Tam Hợp Thủy Cục Thân-Tí-Thìn;
  • Tử Vi Mộc Cục ăn vào Tam Hợp Mộc Cục Hợi-Mão-Mùi;
  • Tử Vi Hỏa Cục ăn vào Tam Hợp Hỏa Cục Dần-Ngọ-Tuất; và
  • Tử Vi Kim Cục thì ăn vào Tam Hợp Kim Cục Thân-Tí-Thìn.
Theo đó, vòng sao Tràng Sinh được phân bố như sau:
  • Sinh-Vượng-Mộ của Tử Vi Thủy Cục ăn vào Thân-Tí-Thìn của Tam Hợp Thủy Cục;
  • Sinh-Vượng-Mộ của Tử Vi Mộc Cục ăn vào Hợi-Mão-Mùi của Tam Hợp Mộc Cục;
  • Sinh-Vượng-Mộ của Tử Vi Hỏa Cục ăn vào Dần-Ngọ-Tuất của Tam Hợp Hỏa Cục; và
  • Sinh-Vượng-Mộ của Tử Vi Kim Cục ăn vào Tỵ-Dậu-Sửu của Tam Hợp Kim Cục.
Sự khắng khít giữa 4 tam hợp cục, 4 Tử Vi cục và 3 sao Sinh Vượng Mộ của vòng sao Tràng Sinh có thể thấy rõ trong hình H34. 

Posted Image
H34: Tương Quan Giữa Tam Hợp Cục, Tử Vi Cục & Vòng Tràng Sinh
Nhìn vào hình H34 không khó cho người ta nhận ra tính cách chặt chẽ và trọn vẹn trong cấu trúc của đồ hình cũng như trong tương quan giữa Tam Hợp Cục với Tử Vi Cục và với Vòng Tràng Sinh. Nó cũng cho thấy sự hoàn hảo và nhất quán trong sự tổng hợp/ liên kết các phần tử lại với nhau. 
Đồng thời cũng không khó cho người ta nhận ra và đặt nghi vấn: Làm sao Hỏa có thể sinh Kim? Làm sao có thể Sinh ra ở Hỏa mà Vượng được ở Kim? 
Bằng vào lý thuyết sinh khắc của ngũ hành phổ cập thì dĩ nhiên là không thể tìm ra câu trả lời. Đó là lý do tại sao học giả NVTA gán cho hai chữ “bí ẩn.” Còn những lý luận tùy tiện thiếu “ngay thẳng” và những vay mượn từ bên ngoài để miễn cưỡng giải thích thì chỉ làm cho mọi việc vốn đã mù mờ càng thêm mù mờ. Đó là lý do vì sao học giả NVTA nói là “gọt chân cho vừa giày.” 
Như đã nói nhiều lần trong bài viết này và ở những bài viết khác, như đã chứng minh trong bài viết này và ở những bài viết khác, cái [Hỏa sinh Kim] dường như là bất hợp lý trên không phải là lỗi trong cấu trúc, cũng không phải là lầm lẫn của cổ thánh sáng tạo ra nó, mà là bằng chứng tố cáo sự thất bại thảm hại của lý thuyết ngũ hành phổ cập của người đời sau. Hay nói một cách khác, toàn bộ cấu trúc của hình H34 [tức là toàn bộ cấu trúc của tam hợp cục + sự phối hợp/ liên kết tam hợp cục với Tử Vi Cục và vòng Tràng sinh] không được kiến tạo trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành phổ cập mà người đời sau cứ cố đem lý thuyết ngũ hành phổ cập ra mà giải thích thì làm sao không có chỗ bí. 
Nếu không được kiến tạo trên nền tảng của ngũ hành phổ cập thì nó được kiến tạo trên nền tảng nào? Câu trả lời, như đã từng trả lời trước đây: nó được kiến tạo trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy, như được trình bày trong cuốn Việt Dịch của Hà Hưng Quốc. 

Posted Image
H34: Tương Quan Giữa Tam Hợp Cục, Tử Vi Cục & Vòng Tràng Sinh
Posted Image
H35: So Sánh Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập Với Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy

So sánh hai hình trên, chúng ta sẽ thấy ngay điều gì? Chẳng phải đã quá rõ ràng là H34 khế hợp với hình bên phải của H35 đến mức độ không cần thêm lời giải thích nào nữa đó hay sao? Và như vậy thì, không phải là H34 được kiến tạo trên nền tảng của thuyết ngũ hành nguyên thủy đó hay sao? Tinh Lịch Khảo Nguyên có viết rằng “Mộc Tràng Sinh ở Hợi, Hỏa Tràng Sinh ở Dần, Kim Tràng Sinh ở Tỵ, Thuỷ Tràng Sinh ở Thân, Thổ cũng Tràng Sinh ở Thân, sống nhờ ở Dần. Tất cả từ Tràng Sinh, Mộc Dục, Quan Đái, Lâm Quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng, thuận kinh qua 12 thời. Thiên Đạo tuần hoàn, sinh sinh không ngừng.” Như vậy không phải là Lý Quang Địa đã mô tả cái vòng tròn “sinh sinh không ngừng” của H34 đó hay sao? Tinh Lịch Khảo Nguyên cũng có viết rằng “Cho nên phương Mộc vượng mà Hỏa đã sinh; phương Hỏa Vượng mà Kim đã sinh, phương Kim vượng mà Thuỷ đã sinh, phương Thuỷ vượng mà Mộc đã sinh.” Câu này không phải là Lý Quang Địa đã mô tả cái vòng tròn “sinh sinh không ngừng” của mô hình lý thuyết ngũ hành nguyên thủy trong H35 đó hay sao? Và, đúng như vậy, các bạn không đọc lầm! Lý Quang Địa đích thực đã viết “Hỏa vượng mà sinh Kim.” Ngay trong cụm chữ này đây không phải là nó đã phủ nhận vai trò của lý thuyết ngũ hành phổ cập trong cấu trúc của H34 rồi hay sao? Và đồng thời, không phải là đã xác nhận một sự thật không thể chối cải là cấu trúc của H34 được kiến tạo trên nền tảng của một lý thuyết khác: lý thuyết ngũ hành nguyên thủy, giống như trong hình H35 đó hay sao? Và sau cùng “Từ Tràng Sinh thuận đẩy lên, nhỏ bé non nớt tất nhiên lớn mạnh, mới vượng thịnh thì tất suy nhược, dứt hết mới quay trở lại bắt đầu, vận động không cùng. Cho nên đó là đạo lý khiến cho Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa đan xen nhau vận hành, cho nên khí của Ngũ Hành thuận bày ra . . .” trình bày cái mốc để liên kết hai đoạn trên với nhau và cũng là liên kết mô hình H34 với H35. 
Nếu chúng ta khảo cứu rộng hơn thì chúng ta sẽ nhận ra cách an vòng sao Tràng Sinh trong những bộ môn khác cũng hoàn toàn tựa trên nền móng của ngũ hành nguyên thủy. Thí dụ như Hiệp Kỷ Biện Phương Thư có nói là cách an vòng sao Tràng Sinh trình bày trong đa số các sách Hán như sau:
  • Dương Thủy: Sinh Thân Vượng Tý Tử Mão Mộ Thìn;
  • Âm Thủy: Sinh Mão Vượng Hợi Tử Thân Mộ Mùi;
  • Dương Mộc: Sinh Hợi Vượng Mão Tử Ngọ Mộ Mùi;
  • Âm Mộc: Sinh Ngọ Vượng Dần Tử Hợi Mộ Tuất;
  • Dương Hỏa: Sinh Dần Vượng Ngọ Tử Dậu Mộ Tuất;
  • Âm Hỏa: Sinh Dậu Vượng Tỵ Tử Dần Mộ Sửu;
  • Dương Kim: Sinh Tỵ Vượng Dậu Tử Tý Mộ Sửu; và
  • Âm Kim: Sinh Tý Vượng Thân Tử Tỵ Mộ Thìn
Dầu cho an thuận hay an nghịch, không cần biết phái nào đúng phái nào sai, thì cách an vòng Tràng Sinh của các phái trên căn bản vẫn là ăn theo cấu trúc vòng tròn của ngũ hành nguyên thủy và vẫn không ra ngoài cấu trúc tam hợp cục. An thuận thì ăn vào vòng bên ngoài của ngũ hành nguyên thủy. Như nhìn thấy ở hình H34. An nghịch thì ăn vào vòng bên trong của ngũ hành nguyên thủy. Hình H36, H37, H38 cho thấy rõ điều này. Tuy nhiên cần vạch ra cho thấy rằng cách an nghịch của VĐ TTL dường không hợp lý vì (a) tuy nói rằng an nghịch nhưng thực ra vẫn là chiều thuận [thí dụ như Mộc Cục đi từ Hợi tới Mão có thể nói là chiều thuận] và (B) không theo nguyên tắc Sinh Vượng Mộ như phần an thuận [tự mâu thuẩn]. 
Posted Image 
H36: An Nghịch Chiều Theo Vân Đằng TTL
Posted Image
H37: An Nghịch Chiều Theo Hà Lạc Dã Phu, Thiên Lương, Thiên Phúc
Posted Image
H38: An Nghịch Chiều Theo Đa Số Hán Thư 

Kết Luận: Với vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ Thủy -> Mộc -> Hỏa -> Kim -> trung ương Thổ kết hợp với vòng tròn nghịch chiều kim đồng hồ Kim -> Hỏa -> Mộc -> Thủy -> trung ương Thổ thì khẳng định không phải là cấu trúc ngũ hành của lý thuyết ngũ hành phổ cập. Đây chẳng phải là bằng chứng bất khả phủ nhận sự sai lạc của ngũ hành phổ cập hay sao? Đây chẳng phải là bằng chứng cho thấy ngũ hành nguyên thủy của Việt Dịch mới chính là nền móng của những cấu trúc trên hay sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét